
GUMBORO TRÊN GIA CẦM VÀ VAI TRÒ CỦA THỜI GIAN CHỦNG NGỪA TRONG CHƯƠNG TRÌNH VACCINE
1. Tổng quan
GUMBORO là bệnh truyền nhiễm cấp tính trên gia cầm gây ra bởi virus. IBD virus (Infectious bursal disease virus) là virus RNA sợi kép chi AviBirnavirus thuộc họ Birnaviridae. Mặc dù nhiều loài gia cầm khác cũng bị nhiễm virus nhưng biểu hiện lâm sàng được ghi nhận chủ yếu trên gà.
Giai đoạn đầu đời (3 – 6 tuần tuổi) là thời điểm nhạy cảm nhất đối với GUMBORO. Gà mắc bệnh thể hiện dấu hiệu lâm sàng nghiêm trọng cùng với tỉ lệ chết khá cao. Tuy nhiên, gà ở độ tuổi nhỏ hơn (0 – 3 tuần tuổi) mắc bệnh lại biểu triệu chứng nhẹ hơn hoặc không biểu hiện. Dù vậy, đàn mắc bệnh được ghi nhận có sự suy giảm miễn dịch do virus gây tổn thương túi bursa – cơ quan miễn dịch quan trọng trên gia cầm.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể vật chủ, IBD virus bắt đầu nhân lên trong tế bào lympho và đại thực bào – hai dòng tế bào có vai trò rất quan trọng cơ chế miễn dịch, trong các mô bạch huyết tại ruột; sau đó phát tán đến và phá hủy túi bursa – nơi biệt hóa của dòng tế bào lympho B – dòng tế bào chính sinh kháng thể.
Chính vì vậy, gà nhiễm GUMBORO vào lúc 2 tuần tuổi đầu tiên sẽ có sự suy giảm nghiêm trọng miễn dịch thể dịch. Cụ thể là những cơ chế bảo vệ liên quan tới kháng thể. GUMBORO có giai đoạn ủ bệnh rất ngắn với những triệu chứng lâm sàng không đặc trưng như tiêu chảy phân trắng, mổ hậu môn, ủ rũ, giảm ăn…. Virus IBD gây ra tỉ lệ chết cao, thường đạt đỉnh vào ngày 5 -7 sau khi gà nhiễm virus.
Ngày nay, GUMBORO không có thuốc điều trị. Chính vì đặc trưng gây suy giảm miễn dịch trầm trọng tương tự HIV/AIDS trên người; nên GUMBORO còn được biết với tên gọi “SIDA gà”. Chính vì vậy gà sau nhiễm bệnh sống sót sẽ còi cọc, chậm lớn, dễ mắc các bệnh khác, giảm năng suất; gây ra thiệt hại kinh tế rất lớn cho nhà chăn nuôi.
2. Sự chủng ngừa vaccine GUMBORO
Vaccine hiện đang là phương pháp hữu hiệu nhất để chống lại virus IBD. Nhìn chung, hiệu quả của chương trình vaccine GUMBORO phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đặc biệt là liều dung và chủng virus vaccine, độc lực của virus, đường cấp thuốc, thời điều kiện bảo quản và kĩ thuật cấp thuốc,… Trong đó, hai yếu tố không thể bỏ qua là thời gian chủng ngừa và hàm lượng kháng thể mẹ truyền. Mối liên hệ giữ hai yếu tố này có ảnh hưởng cực kì quan trọng đối với sự thành công của chương trình vaccine.
Bài viết liên quan
CÁC LOẠI VACCINE GUMBORO HIỆN ĐANG CÓ MẶT TRÊN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
3. Vai trò quyết định của thời gian chủng ngừa trong sự sinh miễn dịch chống lại virus GUMBORO

Thời gian chủng ngừa vaccine trên từng loại gà
Kháng thể mẹ truyền thực hiện vai trò bảo vệ gà con khỏi GUMBORO suốt giai đoạn phát triển phôi đến hai tuần tuổi đầu tiên; trong khi thời gian nhạy cảm nhất với virus IBD là 3-6 tuần tuổi.
Gà giống và gà đẻ phải được chủng vaccine trễ hơn so với gà thịt do chương trình vaccine trên hai loại gà này chú trọng vào việc nâng cao hết mức lượng kháng thể mẹ; truyền sang đời con do thời gian sống dài hơn và điều kiện nuôi ít khắc nghiệt hơn. Vì vậy, thời gian bảo hộ của kháng thể từ mẹ sẽ dài hơn so với gà thịt; nên thời gian chủng ngừa phải trễ để tránh kháng thể làm bất hoạt vaccine.
So sánh với hai loại gà trên, gà thịt nhận lượng kháng thể từ mẹ thấp hơn. Được nuôi nhốt trong điều kiện áp lực hơn về mật độ, áp lực mầm bệnh, thời gian… nên cần phải chủng ngừa sớm hơn. Tuy nhiên, thời gian chủng ngừa trên gà thịt liên quan mật thiết với loại vaccine và cần được cân nhắc cẩn thận.
Nếu chương trình vaccine được thực hiện quá sớm; rơi vào giai đoạn hàm lượng kháng thể từ mẹ còn quá cao. Làm trung hòa virus vaccine gây thất bại trong việc kích hoạt miễn dịch đặc hiệu chống lại GUMBORO trên đàn. Ngược lại, nếu vaccine được chủng quá muộn sẽ tạo ra “khoảng trống miễn dịch” (protection gap/ immune gap). Do lúc này lượng kháng thể mẹ truyền quá thấp không đủ bảo hộ; tạo điều kiện thuận lợi cho virus IBD thực địa tấn công và gây bệnh trên đàn.

Tương quan giữa thời gian chủng ngừa và hàm lượng kháng thể mẹ truyền trong sự hình thành “khoảng trống miễn dịch”
Nguồn: (The Poultry Site, 2018)
The Poultry Site. (2018, 8 15). Retrieved from https://www.thepoultrysite.com/articles/protecting-the-immune-system-in-poultry-early-vaccination-with-vaxxitek-hvtibd
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Ngân